
Tết là dịp về bên gia đình để tận hưởng khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc. Bất kể là miền Bắc, Trung hay Nam, Tết vẫn luôn gợi đến cảm giác nhớ quê nhà, nhớ những món ăn truyền thống của quê hương xứ sở. Và sự khác biệt về địa lý và phong tục khiến cho văn hóa ẩm thực của mỗi miền mỗi khác nhau. Trong bài viết này chúng ta sẽ khám phá ẩm thực truyền thống của từng vùng miền nhé.
Miền Bắc
Trong văn hóa ẩm thực của người miền Bắc vốn ưa chuộng về hình thức nên mâm cơm ngày tết được chuẩn bị rất công phu, đẹp mắt với đĩa xôi gấc đỏ tươi, thịt gà luộc rắc lá chanh, các món xào, món canh thì được rắc thêm hành, rau thơm lên trên nhìn vào mâm cơm gợi nhớ như nhìn vào 1 bức tranh màu sắc của bốn mùa mong muốn 1 năm mới ấm no, hạnh phúc .
Tết ở miền Bắc trong mâm cỗ gồm có 4 chén canh như: 1 chén chân giò lợn nấu măng, 1 chén miến, 1 chén mọc nấm, 1 chén bóng thả và 4 dĩa thức ăn như: 1 dĩa thịt lợn, 1 dĩa thịt gà luộc, 1 dĩa giò lụa, 1 dĩa chả quế tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương.
Mâm cỗ lớn thì có 6 chén 6 dĩa hoặc 8 chén 8 dĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Trải qua các thay đổi của từng thời kì nhưng mâm cỗ tết ở miền Bắc vẫn giữ bản chất đúng nét cổ truyền của dân tộc việt Nam.
Xôi gấc
Theo quan niệm của dân ta từ xưa thì màu đỏ là màu của may mắn hạnh phúc, vì vậy trong các ngày rằm, ngày lễ đặc biệt là ngày Tết đến sẽ có 1 dĩa xôi gấc. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp, sau khi đồ chín xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp.
Bánh chưng
Nhắc đến Tết là nhắc đến bánh chưng, 1 loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt thể hiện sự kết tinh của đất trời, để có chiếc bánh chưng ngon cần có đôi bàn tay khéo léo để làm ra những chiếc bánh vuông vức, thơm ngon.
Bánh chưng được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp cùng với đậu xanh và thịt mỡ. Người xưa tin rằng, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Bánh được gói hay trang trí với lá dong hoặc lá chuối, luộc trong ít nhất mười tiếng đồng hồ.
Thịt đông
Một món ăn ngon đặc trưng ở miền Bắc đó là thịt đông, tiết trời se lạnh mà thưởng thức món thịt đông sẽ mang lại cảm giác rất lạ nhưng lại hấp dẫn người ăn.
Dưa hành
Với vị chua chua cay nhẹ được dùng ăn kèm với bánh chưng hay thịt đông là món chống ngán hữu hiệu trong ngày tết.
Thịt gà luộc
Một món ăn ngon ngày tết tuy đơn giản nhưng không thể thiếu là thịt gà luộc. Những miếng thịt gà có màu vàng tươi, được rắc thêm những sợi lá chanh thái nhỏ chấm với gia vị chanh ớt tạo nên một hương vị khó quên.
Nem rán
Nem rán một món ăn độc đáo không chỉ quen thuộc ở bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết miền bắc. Những miếng nem được rán vàng với lớp vỏ giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm.
Chả lụa
Khi chuẩn bị mâm cỗ cổ truyền của người miền bắc thì chắc chắn các bạn không thể quên món giò. Những khoanh giò trắng mịn là món dễ ăn và tiện lợi.
Canh măng
Một chén canh măng thơm lừng và béo ngậy cũng là một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Canh măng được nấu từ măng khô nấu với xương sườn hoặc móng giò.
Chè kho
Một món ăn được dùng để đãi khách trong ngày Tết nữa đó chính là chè kho. Cách nấu chè rất đơn giản mà lại ngon, chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn.
Mứt sen
Một món ngon nữa không thể bỏ qua là món mứt sen. Những hạt mứt sen tròn, thơm ngon có vị bùi thanh mát. Được thưởng thức cùng 1 tách trà nóng sẽ làm cho bạn thêm yêu cái Tết đầy đầm ấm ở miền Bắc.
Miền Trung
Miền Trung là khu vực có thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhất thường xuyên xảy ra khô hạn hay lũ lụt nên người dân ở nơi đây vất vả nhất, mặc dù vậy trong dịp tết đến cũng như bao người dân trên tổ quốc thì miền Trung cũng háo hức chuẩn bị các món ăn ngon đón ngày Tết sắp đến.
Bánh tét
Món ăn truyền thống trong ngày tết ở miền trung là bánh tét, một món bánh trang trọng và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Bánh tét có màu xanh thẫm với mùi hương của nếp cái, bánh được gói như bánh chưng ngoài Bắc nhân bánh được làm từ gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh sau đó gói bằng lá chuối xanh với hình trụ dài.
Nem chua
Nem chua – một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. Nem được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với bì heo cùng gia vị, tỏi, lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Những miếng nem có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay.
Thịt lợn ngâm nước mắm
Thịt lợn ngâm nước mắm là một món ăn rất được yêu thích và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. Món ăn này được chế biến từ thịt heo đem luộc chín, đường hòa với nước mắm. Để nguội các nguyên liệu rồi dùng hũ thủy tinh xếp thịt vào sau đó từ từ đổ nước mắm vào cho ngập miếng thịt , để khoảng 3 ngày thịt ngấm nước mắm là ăn được.
Bò kho mật mía
Một món ăn không thể không có là món bò kho mật mía, những miếng thịt bò mềm với mùi thơm của mật mía, vị cay cay của các gia vị gừng, sả, ớt. Đây thực sự là món ăn ngon và hoàn hảo.
Dưa củ kiệu
Cũng giống như dưa hành của miền bắc thì miền Trung cũng có món ăn không thể thiếu là dưa củ kiệu.
Bánh tổ
Một món bánh ngon và hấp dẫn, cũng không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết là bánh tổ. Bánh tổ được làm từ nếp hương, đường đen, gừng và mè.
Miền Nam
Bánh tét
Nhắc đến món ăn ngày tết nói chung và món ăn ngày tết miền Nam thì món đầu tiên phải kể đến chính là bánh tét. Nếu miền Bắc đặc trưng với bánh chưng vuông xanh thì miền nam lại thiên về ưa chuộng nhiều hơn đối với món bánh tét dài.
Thịt kho nước dừa thơm ngọt
Một món ăn mặn khác không thể thiếu trong danh sách món ăn ngày tết miền Nam chính là thịt kho dừa. Món ăn này khác với thịt kho tàu ở chỗ chúng được sử dụng rất nhiều nước dừa khiến món ăn đặc, sánh thơm và béo ngậy. Thịt ba chỉ hoặc thịt đùi (chọn cả nạc cả mỡ mới ngon) đem cắt khúc vừa ăn rồi nêm gia vị vừa ăn nấu đến khi chín thì cho trứng cút vào hầm chung với nước cốt dừa đặc. Để rửa liu riu cho đến khi cạn và sệt thì có thể thưởng thức ngay với mùi hương thơm chắc chắn bạn sẽ thích mê.
Dưa kiệu muối
Miền Nam món ăn này thường có vị chua và ngọt nhiều hơn cũng như được muối kèm cùng nhiều loại nguyên liệu khác như cà rốt và su hào giúp dưa món đa dạng hơn. Dưa kiệu muối với đường nhanh lên men và có độ giòn dai rất hấp dẫn. Cách muối vô cùng đơn giản và chỉ sau 2 đến 3 ngày là có thể thưởng thức được ngay. Dưa kiệu muối giúp cho ngày tết thêm ngon miệng và bớt ngán hơn rất nhiều. Món này có thể ăn kèm với rất nhiều món ăn khác trong ngày tết vô cùng thú vị.
Chả giò
Món ăn ngày tết miền Nam này rất phổ biến và hầu như không thể thiếu trong bất cứ mâm cỗ tết của gia đình người miền nam nào. Đây còn là món ăn nổi tiếng của khắp nước ta mà vùng miền nào cũng có trong các dịp tết cổ truyền hoặc ngày giỗ. Chả giò thơm ngọt bùi béo với lớp nhân thịt và bỏ bánh ngoài giòn tan chắc chắn sẽ khiến bạn ăn mãi ăn hoài mà không biết chán. Đừng bỏ qua món ăn thú vị này trong dịp tết cận kề sắp tới nhé.
Củ cải ngâm chua ngọt
Món ăn ngày tết miền Nam mà chúng tôi muốn tiếp tục giới thiệu đến với bạn chính là củ cải ngâm chua ngọt. Món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút đặc biệt này được nhiều nhà làm chung với hũ dưa món hoặc thay thế cho dưa món. Củ cải muối vẫn giữ được hương vị đặc trưng, chút cay nồng nhưng lại trở nên giòn và ngọt hơn vô cùng hấp dẫn. Hãy tự tay làm cho gia đình mình ngay hủ củ cải đón tết nguyên đán sắp về nhé.
Tổng hợp
